Image
Blogs

Tips thiết kế logo thương hiệu ấn tượng năm 2024

Posted on  18 May, 2024
logo

Theo thống kê của Embryo, 73% đối tượng khảo sát ưu tiên mua hàng từ những thương hiệu mà họ biết đến. Trong đó, có đến 75% nhận diện một doanh nghiệp thông qua thiết kế Logo của họ. Các số liệu cho thấy ảnh hưởng của thiết kế Logo đến hiệu quả kinh doanh của thương hiệu lớn đến như thế nào!

Cũng vì vậy, không quá ngạc nhiên khi các thương hiệu lớn như Pepsi (2008) hay BBC (2021) sẵn sàng chi ra lần lượt 1.000.000 và 1.800.000 đô để thay đổi thiết kế Logo của họ.

Tất nhiên, một thiết kế Logo thành công không phụ thuộc vào mức giá của nó, mà là sự tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau! Trong quá khứ, Nike cũng chỉ tốn khoảng 35 đô để có được thiết kế “Swoosh” huyền thoại của mình. 

Trong bài viết này, Lollypop sẽ bàn luận về 2 trường phái đối lập trong thiết kế logo, cũng như đưa ra một số tips thiết kế logo thương hiệu nổi bật. 

Các bạn đã sẵn sàng chưa? Bắt đầu thôi nào!

Ai nên đọc blog này?

UI/UX Designers, Graphic Designers đang quan tâm về các “tips” thiết kế logo hiệu quả, nhận được sự chấp thuận từ khách hàng mỗi khi đề xuất ý tưởng.

Các quản lý cấp cao, Product owners, Marketers đang lên kế hoạch thiết kế và cải tiến bộ nhận diện thương hiệu (Brand Identity), mong muốn hiểu rõ những yêu cầu “đúng” dành cho đội ngũ thiết kế Logo để đạt được kết quả tối ưu.

2 trường phái đối lập trong thiết kế logo thương hiệu

Về bản chất, trách nhiệm của một chiếc logo không phải là kể một câu chuyện trọn vẹn về thương hiệu hay trực tiếp rao bán các sản phẩm. Một chiếc logo được cho là thiết kế tốt khi hoàn thành được nhiệm vụ phản ánh và truyền tải niềm tin và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp hay nhà sáng lập.

Trong khi mỗi doanh nghiệp, sản phẩm, nhà sáng lập đều có một câu chuyện và niềm tin độc nhất, các thiết kế logo có thể được phân loại vào hai trường phái chính: phức tạp và đơn giản.

Trường phái phức tạp

Complex logo

Trong trường phái phức tạp, logo thường được xây dựng với nhiều chi tiết và yếu tố phức tạp. Để thiết kế một chiếc logo theo trường phái phức tạp, công việc chính không chỉ là kết hợp các yếu tố thiết kế như hình ảnh, màu sắc và văn bản mà còn là nghệ thuật đặt để, tổng hòa từng yếu tố, giúp thương hiệu truyền tải một cách toàn diện về bối cảnh, lịch sử và sự đa chiều của mình. Thông thường, logo phức tạp thường liên kết với các yếu tố như thời gian (như năm thành lập), bối cảnh lịch sử hoặc lĩnh vực kinh doanh, đồng thời mang lại sự độc đáo và sâu sắc cho thương hiệu.

Một số ví dụ điển hình của thiết kế phức tạp có thể kể đến như:

  • Wikipedia: Logo có hình dạng một quả địa cầu được lắp ráp từ các mảnh ghép riêng lẻ, phản ánh sứ mệnh phổ biến kiến thức đa dạng, và truyền tải thông điệp về sự chung tay đóng góp của cộng đồng người dùng rộng lớn.
  • Nestlé: Logo mang hình ảnh chim mẹ đang chăm sóc hai chú chim con, tượng trưng cho sự gắn kết gia đình. Qua nhiều năm, dù đã được tinh chỉnh để phù hợp với tính thẩm mỹ hiện đại, thiết kế Logo vẫn giữ được những yếu tố thuộc về di sản truyền thống.
  • Unilever: Logo có hình chữ “U” được tạo thành từ 25 icon khác nhau, mỗi icon  lại mang một ý nghĩa riêng biệt. Ví dụ: icon “hoa” tượng trưng cho hương thơm, gợi nhớ đến bột giặt OMO, nước xả vải Comfort,… hay icon “mái tóc” đại diện cho dầu gội TRESemmé và Lifebuoy,…

Trường phái đơn giản

Trong thiết kế logo, trường phái đơn giản tập trung vào việc tạo ra những biểu tượng gọn gàng và dễ nhớ. Mặc dù chỉ có ít yếu tố, nhưng logo đơn giản lại có khả năng giao tiếp mạnh mẽ và dễ nhận biết, giúp thương hiệu nổi bật trong đám đông. Bên cạnh đó, tính linh hoạt của logo đơn giản cũng cho phép thương hiệu sử dụng nó trên nhiều nền tảng, với các yêu cầu về kích thước, màu sắc và chất liệu khác nhau.

Trong thực tế, trường phái đơn giản đang trở thành xu hướng thiết kế logo phổ biến. Nhiều thương hiệu đã dành thời gian để đơn giản hóa bộ nhận diện thương hiệu và logo của họ. Một ví dụ điển hình là Apple, từ một phiên bản logo ban đầu có vẻ “cồng kềnh”, Steve Jobs đã tìm đến Rob Janoff để tạo ra một biểu tượng đầy biểu tượng với hình ảnh “quả táo khuyết”.

Simple logo Apple logo

Ivan Chermayeff, một trong những Graphic Designer xuất sắc nhất thế kỷ 20, từng nói: “Quá trình thiết kế Logo thường kéo dài 2 tháng, nhưng nên trông như được hoàn thành chỉ trong 5 phút.” Trùng hợp thay, Janoff cũng có cùng quan điểm. Ông cho rằng, điều quan trọng nhất của một Logo chính là sự đơn giản, và những danh sách dài gồm những yếu tố cần có trong Logo sẽ là công thức dẫn đến thất bại!

Nên chọn thiết kế logo phức tạp hay đơn giản?

Mặc dù các thiết kế Logo đơn giản đang được ưa chuộng hơn, điều này không đồng nghĩa rằng lựa chọn thiết kế phức tạp sẽ dẫn đến thất bại. Đôi khi, sự phức tạp trong thiết kế Logo sẽ mang lại những lợi ích riêng cho thương hiệu của bạn. Quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như định hướng phát triển của doanh nghiệp, bối cảnh thị trường, cũng như đối tượng mục tiêu.

Với cùng một sản phẩm, các logo có thể hoàn toàn khác nhau dựa trên cách tiếp cận và tầm nhìn của nhà sáng lập, những điều này thường được ghi lại trong brief thiết kế logo. Ví dụ, Nike không muốn logo của họ chỉ là biểu tượng của một công ty bán giày, mà thay vào đó, họ muốn thương hiệu của mình tôn vinh giá trị của tốc độ và sức mạnh. Do đó, chiếc logo đã được thiết kế theo phong cách đơn giản với biểu tượng “swoosh” và sau này, nó đã hỗ trợ đắc lực các chiến dịch Marketing, cùng nhau truyền tải giá trị của tốc độ và sức mạnh.

 

Trong bảng dưới đây, Lollypop sẽ điểm qua một số điểm mạnh và điểm yếu khác nhau của 2 trường phái thiết kế Logo này!

Thiết kế logo phức tạp

Thiết kế logo đơn giản

  • Dễ dàng thu hút sự chú ý.
  • Truyền tải ý nghĩa/bối cảnh thương hiệu hiệu quả. 
  • Dễ nhận diện, dễ ghi nhớ.
  • Dễ tăng/giảm kích thước, phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng.
  • Có thể gây khó hiểu cho người xem.
  • Các chi tiết bị mờ đi khi giảm kích thước.
  • Có thể trông hơi “đơn điệu”.
  • Khó tạo nên sự khác biệt với các thiết kế khác.

5 Tips thiết kế logo thương hiệu nổi bật

Ngày nay, tiêu chí xác định một thiết kế Logo chất lượng không chỉ dừng lại ở những giá trị về mặt thẩm mỹ. Nó là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, đòi hỏi sự nghiên cứu tỉ mỉ cả về bản sắc thương hiệu, lẫn những tác động về mặt tâm lý mà từng thành phần thiết kế mang lại. 

Trong phần này, Lollypop sẽ đề xuất một số tips liên quan đến những yếu tố kể trên, giúp bạn tối ưu hiệu quả trong quá trình thiết kế Logo. 

Lưu ý: Các tips dưới đây có mối liên quan mật thiết với nhau! Nên hãy ghi nhớ và áp dụng đồng thời để đạt hiệu quả tốt nhất nhé. Cùng khám phá thôi nào!

1. Nghiên cứu thương hiệu và người dùng

Trước khi lên ý tưởng thiết kế Logo công ty, bạn cần am hiểu thật sâu sắc về bản sắc thương hiệu, cũng như đối tượng mục tiêu mà công ty hướng đến. Ở bước này, bạn cần quan tâm đến một số khía cạnh, bao gồm:

  • Ý nghĩa hoặc câu chuyện đằng sau tên thương hiệu là gì?
  • Tính cách đặc trưng của thương hiệu là gì?
  • Khách hàng mục tiêu của thương hiệu là ai?
  • Thương hiệu muốn khơi gợi cảm xúc gì trong khách hàng?

Từ những thông tin này, bạn có thể xác định được các Logo Style, Typography và Color Pallette phù hợp trong quá trình phác thảo ý tưởng thiết kế.

2. Hiểu rõ điểm mạnh và yếu của mỗi kiểu logo

Bạn có thể thấy, trên thị trường hiện nay có vô vàn kiểu logo khác nhau. Mỗi loại sẽ có điểm mạnh và điểm yếu, cũng như trường hợp sử dụng riêng biệt. Việc nắm rõ những thông tin này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian khi lên ý tưởng, và đưa ra lựa chọn thiết kế phù hợp với nhu cầu của công ty. 

Hiểu rõ điểm mạnh và yếu của mỗi kiểu logo

3. Nắm vững kiến thức về tâm lý học màu sắc và hình dạng

Màu sắc và hình dạng tác động đáng kể đến nhận thức của con người! Điều này đã được chứng minh thông qua nhiều nghiên cứu trước đó. Vì vậy, việc nắm vững tâm lý học  màu sắc và hình dạng sẽ giúp bạn lựa chọn những “yếu tố” phù hợp, khơi gợi đúng cảm xúc nơi người dùng. 

Nắm vững kiến thức về tâm lý học màu sắc

Và nếu bạn là Designer thiết kế Logo cho khách hàng, việc nắm vững kiến thức này sẽ khiến cho phần trình bày về thiết kế của bạn thật sự có sức nặng, chiếm được niềm tin của họ. Vì như Paul Rand, được biết đến với danh xưng “Bố già” của ngành Thiết kế Logo, từng nói: “Presentation is key!”. Khả năng trình bày chính là chìa khóa tạo nên một thiết kế Logo doanh nghiệp thành công. 

Tâm lý học về hình dạng

4. Phác thảo nhiều hơn 1 ý tưởng

Trừ khi bạn là Paul Rand, khi đã đạt được sự chấp thuận của Steve Jobs về thiết kế logo cho thương hiệu “Next” chỉ với một ý tưởng và một lần chỉnh sửa duy nhất. Rất khó để bạn có thể thuyết phục khách hàng về ý tưởng của mình, nếu chỉ đưa cho họ một bản phác thảo duy nhất. 

Thay vào đó, dựa trên những hiểu biết về thương hiệu, bạn cần lên ý tưởng cho nhiều bản phác thảo (sketch) khác nhau. Sau đó, hãy lựa chọn ra 3 ý tưởng tốt nhất để trình bày với khách hàng. Tùy vào lựa chọn và phản hồi của khách hàng, bạn sẽ tiếp tục phát triển bản “sketch” thành một phiên bản hoàn chỉnh.

5. Đánh giá thiết kế Logo

Sau khi hoàn thành thiết kế, việc đánh giá Logo sẽ giúp bạn biết xem thiết kế đã đáp ứng yêu cầu hay chưa. Một trong những cách đánh giá phổ biến nhất đó là 7 bước đánh giá Logo của Paul Rand:

  • Distintive: Logo có khác biệt và dễ nhận diện so với các đối thủ không?
  • Visible: Logo có dễ nhìn và nhận biết ở mọi kích thước không?
  • Adaptable: Logo có linh hoạt và phù hợp với nhiều nền tảng và phương tiện khác nhau không?  
  • Memorable: Logo có dễ gợi nhớ mỗi khi khách hàng tiếp cận tên thương hiệu không?
  • Universal: Logo có phù hợp và dễ hiểu với đối tượng khách hàng toàn cầu không?
  • Timeless: Logo có giữ được sự phù hợp qua thời gian không?
  • Simple: Logo có đơn giản và không gây rối mắt không?

Hãy đánh giá thiết kế Logo của bạn dựa trên các bước trên và sử dụng thang điểm từ 1-10 cho 6 bước đầu, và thang điểm từ 1-15 cho bước cuối cùng. Tổng số điểm tối đa là 75, và để đáp ứng yêu cầu, thiết kế cần đạt từ 60 điểm trở lên.

Tất nhiên, chúng ta không thể áp dụng phương pháp này đối với các thiết kế phức tạp! Do đó, bạn có thể tiến hành khảo sát đối tượng người dùng theo một số “metric” như:

  • Appeal: Logo có thu hút và gây ấn tượng tích cực cho bạn không?
  • Believability: Logo có khiến bạn cảm thấy thương hiệu đáng tin cậy không?
  • Ease of identifying: Logo có dễ dàng nhận biết và phân biệt được không?
  • Purchase intent: Logo có thúc đẩy bạn mua sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu không?
  • Relevance: Logo có phù hợp và liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu không?
  • Uniqueness: Logo có độc đáo và khác biệt so với các thương hiệu khác không?

Từ đây, bạn có thể chọn ra những  “metric” phù hợp vưới mục tiêu thương hiệu nhắm đến và tiến hành xây dựng bộ câu hỏi khảo sát. Trong đó, một dạng câu hỏi được áp dụng phổ biến là  Thang đo Likert. 

Ví dụ, bạn có thể hỏi: ”Thiết kế logo khác biệt so với các logo khác như thế nào?” và đưa ra một số phương án lựa chọn như: 

  • Không hề khác biệt
  • Không quá khác biệt
  • Hơi khác 
  • Rất khác biệt
  • Cực kỳ khác biệt

Tạm kết 

Một thiết kế Logo thật sự chất lượng sẽ là thành quả của một quá trình dày công nghiên cứu và thiết kế. Việc nắm vững những tip kể trên sẽ giúp bạn tối ưu thời gian và công sức, cũng như đưa ra những lựa chọn phù hợp với yêu cầu của thương hiệu.

Và nếu bạn đang có nhu cầu thiết kế /đổi mới Bộ nhận diện và thiết kế Logo thương hiệu thật sự nổi bật, hãy cân nhắc Lollypop như một đối tác tiềm năng! 

Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực, Lollypop Vietnamcông ty thiết kế UI UX hàng đầu tại TPHCM, cung cấp dịch vụ thiết kế thương hiệu, thiết kế Logo, thiết kế nhận diện thương hiệu,… 

Đừng ngần ngại liên hệ để được tư vấn miễn phí và cùng nhau tạo nên thiết kế Logo phù hợp nhất với thương hiệu của bạn nhé!

Image